Đã có thể cung cấp đầy đủ vật liệu phục vụ công trình ven biển, hải đảo

(Xây dựng) – Đây là nhận định của ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD) về việc phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.

2442 image001

Đốt lò dây chuyền 4 nhà máy xi măng Thành Thắng.

Đưa vào vận hành dây chuyền chuyên sản xuất xi măng bền sunfat

Ngày 27/12, tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group đã đốt lò, đưa vào vận hành dây chuyền số 4 Nhà máy xi măng Thành Thắng, công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Đây là dây chuyền huyên sản xuất các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ các công trình ven biển và hải đảo. Dây chuyền 4 có mức đầu tư 4.951 tỷ đồng, được đầu tư thiết bị tiên tiến hiện đại sản xuất từ các nước G7. Trước đó, Thành Thắng Group đã vận hành ổn định 03 dây chuyền sản xuất số 1, số 2 và số 3, với tổng công suất là 5,1 triệu tấn xi măng/năm.

Ngày 28/12/2018 tại Văn bản số 1895/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 02 dây chuyền số 4 và số 5 của Nhà máy xi măng Thành Thắng kết hợp xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ các công trình ven biển và hải đảo vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030.

Sau thời gian đầu tư xây dựng, đến nay dây chuyền 4 đã hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ, đánh dấu mốc quan trọng: Lần đầu tiên vận hành dây chuyền chuyên sản xuất xi măng bền sunfat phục vụ các công trình ven biển và hải đảo.

Ông Nguyễn Hữu Điển – Phó Tổng Giám đốc sản xuất Nhà máy xi măng Thành Thắng cho biết: Trước khi đầu tư dây chuyền số 4, Thành Thắng đã khảo sát thị trường, lên phương án kinh doanh và xác định thị trường tiêu thụ phù hợp, tiềm năng… Hiện tại, Thành Thắng đang hướng đến thị trường miền Trung và xuất khẩu sang Bangladesh, Philippines, các nước Trung Đông. Qua khảo sát, nhu cầu của các nước nói trên về sản phẩm xi măng bền sunfat rất lớn.

Trong tương lai, theo ông Điển, xi măng bền sunfat sẽ đem đến những lợi ích lớn cho các nhà sản xuất vì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, nhu cầu sử dụng sản phẩm đặc thù này ngày một lớn.

Ngành VLXD đang đi trước một bước

Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD cho biết: Phát triển đa dạng các chủng loại xi măng có tính năng chịu được trong môi trường khí hậu biển phục vụ cho các công trình xây dựng ven biển và hải đảo như xi măng bền sun phát (sunfat), xi măng xỉ, phụ gia cho xi măng chịu nước biển… là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Đề án phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 126/QĐ-TTg, ngày 25/1/2019 (Đề án 126)

2444 image003

Dây chuyền 4 nhà máy xi măng Thành Thắng được đầu tư hệ thống thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Đáng mừng là hiện nay, các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp ở Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công xi măng bền sunfat có tính năng chịu mặn, phục vụ cho xây dựng các công trình khu vực biển, đảo.

Ông Phạm Văn Bắc ghi nhận: Thành Thắng Group là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng Đề án 126. Việc đưa vào vận hành dây chuyền chuyên sản xuất xi măng bền sunfat có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ và sản xuất thành công các loại VLXD phục vụ công trình khu vực ven biển, hải đảo.

Theo ông Bắc, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành VLXD đã đi trước một bước. Cụ thể, Vụ VLXD đã tham mưu, nghiên cứu dự thảo để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025.

Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương và nhất là các doanh nghiệp đang triển khai tốt Đề án 126 trên diện rộng. Bên cạnh xi măng bền sunfat, nhiều vật liệu phục vụ công trình biển đảo khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất thành công như sản phẩm kính, gạch ốp lát, phụ gia cho bê tông, thép hợp kim…

“Việt Nam đã có thể sản xuất đầy đủ các loại vật liệu chịu mặn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các công trình ven biển, hải đảo. Việc phát triển và sử dụng hiệu quả VLXD chịu mặn không chỉ góp phần tăng tuổi thọ công trình mà quan trọng hơn nữa là phục vụ tốt cho Chiến lược phát triển kinh tế biển”, ông Phạm Văn Bắc nói.

(Theo – Quý Anh- Báo xây dựng)

0 0 Các bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Nhiều bình chọn nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận